HOTLINE: 0904 585359

Triển vọng Việt Nam lọt top 5 quốc gia đóng tàu biển hàng đầu thế giới

49 |
0 Đánh giá

Theo công bố của website tài chính Insider Monkey, Mỹ, Việt Nam hiện đứng thứ 7 trong top 15 quốc gia đóng tàu biển hàng đầu thế giới. Với lợi thế và năng lực đang tiếp tục được củng cố, Việt Nam có triển vọng lọt top 5 cường quốc đóng tàu toàn cầu.

Quốc gia đóng tàu hàng đầu

Đầu tháng 4, website tài chính Insider Monkey, Mỹ công bố danh sách top 15 cường quốc đóng tàu hàng đầu thế giới.

Bảng xếp hạng được dựa trên dữ liệu từ Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), trong đó liệt kê tỉ lệ phần trăm số tàu đã đóng so với toàn cầu trong năm 2021 của các quốc gia.

Theo danh sách này, Việt Nam đứng thứ 7, vượt qua cả những nhà đóng tàu "sừng sỏ" và có tiếng là Phần Lan (0,36%, vị trí thứ 8), Pháp (0,29%, vị trí 10), Na Uy (0,24%, vị trí 11), Nga (0,22%, vị trí 12), Thổ Nhĩ Kỳ (0,22%, vị trí 13) và Hà Lan (0,19%, vị trí 14),...

Theo Insider Monkey, Việt Nam có gần hai chục nhà máy đóng tàu trên khắp đất nước.

Hyundai Việt Nam (HSV), thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa là cơ sở đóng tàu lớn nhất Đông Nam Á. Nguồn: HSV.

Tỉ lệ đóng tàu toàn cầu của Việt Nam năm 2021 đạt 0,61%, xấp xỉ Đức (0,63%, vị trí 6) và gần đuổi kịp Ý (0,82%, vị trí 5) và  Philippines (1,06%, vị trí 4).

Top 3 cường quốc đóng tàu hàng đầu thế giới được xướng tên là Trung Quốc (44,2%), Hàn Quốc (32,4%) và Nhật Bản (17,6%), đều là các quốc gia châu Á.

Riêng Hàn Quốc, Insider Monkey viết, đây là quốc gia châu Á có ngành công nghiệp đóng tàu tiên tiến, sản xuất 90% các phương tiện vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên thế giới, với nhiều công ty đóng tàu lớn là Hyundai Heavy Industries, Daewoo Shipbuilding và Samsung Heavy, trong đó một số đã có mặt tại Việt Nam.

Những con số ấn tượng!

Theo Báo cáo nghiên cứu công nghiệp đóng tàu Việt Nam 2023-2032 đăng trên Research and Markets, nền tảng cơ sở dữ liệu nghiên cứu thị trường lớn nhất thế giới, ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và thị phần gia tăng trong những năm gần đây.

Điều này có được trước hết là nhờ có tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững và việc phát triển tích cực của công nghiệp sản xuất và công nghiệp phụ trợ.

Theo Bộ Giao thông vận tải, tính đến tháng 4/2022, Việt Nam có 296 bến cảng. Trong khi theo Cục Hàng hải, Việt Nam hiện có 97 nhà máy đóng tàu với trọng tải từ 1.000 DWT trở lên và có 68 nhà máy đóng mới, sửa chữa tàu thuyền. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy đóng tàu mới lên tới 2,6 triệu DWT/năm.

Sản phẩm tàu chở dầu của HSV. Nguồn: HSV.

Năm 2020, Việt Nam đã đóng và xuất sang châu Phi hàng chục tàu tuần tra cao cấp.

Trước năm 2020 Việt Nam đã đóng tàu đổ bộ và tàu tuần tra cho đối tác Venezuela. Những thành tựu phát triển này cho thấy năng lực đóng tàu,  cũng là cơ sở thuyết phục cho khát vọng vươn ra toàn cầu của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam.

Sau khi thành lập Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam (HSV) vào năm 1996 (tại Ninh Hòa, Khánh Hòa), Việt Nam đã trở thành quốc gia nhận được nhiều đơn đặt hàng đóng tàu thứ 5 trên thế giới. Việt Nam cũng được biết đến là nơi có số lượng công nhân đóng tàu lành nghề và giàu kinh nghiệm nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á.

Theo Tổng giám đốc HSV, Lee Jong Chan, 26 năm qua Công ty đã rất thành công khi bàn giao 150 con tàu đóng mới với trọng tải lên đến 87.000 DWT cho các khách hàng quốc tế, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu trong khu vực Đông Nam Á nói chung.

HVS vận hành cẩu trục 700 tấn vào tháng 9/2022. Nguồn: HSV.

Hiện mỗi năm nhà máy sản xuất 16 con tàu, giá trị đóng góp ngân sách 10 triệu USD.

Trong khi theo Newsis, sau 15 năm chuyển sang đóng mới, tổng số đơn hàng lũy kế mà HVS nhận được đã tăng lên 199 đơn hàng, doanh nghiệp này đang hướng tới mục tiêu trúng thầu con tàu thứ 200.

Trong năm nay, Hyundai Việt Nam có kế hoạch giao tổng cộng 13 tàu, với mục tiêu doanh thu là 543,8 triệu USD.

Cũng theo ông Lee Jong Chan, HSV sẽ tập trung vào những sản phẩm trọng tâm là tàu dầu, tàu hàng rời lên đến 87.000DWT.

Hướng tới công ty sẽ mở rộng sản xuất với các loại tàu RNG và tàu container.

Điều thuận lợi, từ tháng 9/2022 HSV đã trang bị cẩu Goliath 700 tấn, cho phép cải thiện công suất đóng tàu. Đây chính là nền tảng quan trọng để HVS tiến tới đóng hơn 20 tàu mỗi năm.

Nhiều triển vọng!

Giáo sư danh dự trường Đại học New South Wales, Australia, Carl Thayer tin tưởng, Việt Nam có thể tiến vào top 5 quốc gia đóng tàu hàng đầu thế giới, đồng thời có những lợi thế vượt cả Nga và Pháp, trong đó Việt Nam được biết đến là nơi có số lượng công nhân đóng tàu lành nghề và giàu kinh nghiệm nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á.

Vào đầu tháng 7, tại Triển lãm thiết bị máy móc hàng hải và đóng tàu (VIMOX 2023) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Fireworks Trade Media, Kenny Yong, đơn vị tổ chức sự kiện, nhận xét, ngành đóng tàu Việt Nam đã nổi lên như một thế lực cạnh tranh không thể xem thường.

“Với đường bờ biển dài, lực lượng lao động lành nghề, địa lý chiến lược, Việt Nam sở hữu những lợi thế độc nhất các cơ hội ngành hàng hải mang lại. Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn của nhiều quốc gia, tiềm năng cho thị trường đóng tàu là rất lớn.”, ông Kenny Yong lưu ý.

Tiến sĩ Hoàng Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật công nghiệp tàu thủy cho biết, ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam ngày càng mở rộng, cơ sở đóng tàu phát triển ở khắp các địa phương từ Nam tới Bắc. Việt Nam có khoảng gần 120 các cơ sở đóng tàu lớn nhỏ, với sản lượng hàng năm tăng gấp 10 lần so với những năm 90.

Hyundai Vietnam tổ chức Lễ cắt thép thân tàu S525 / 115.000 tấn cho khách hàng Hy Lạp. Nguồn: HSV.

Theo báo cáo phân tích tình hình thị trường ngành đóng tàu Nga của chuyên gia Mariya Nesnova đến từ Đại học kỹ thuật hàng hải quốc gia Saint-Petersburg (Nga), vị thế của Nga với tư cách là nhà xuất khẩu tàu thuyền hiện chưa phát huy hết tiềm năng. Nguyên nhân là do số lượng tàu cung cấp đến từ các nhà máy đóng tàu châu Á quá lớn. Tiếp đó là vấn đề về công nghệ khi Nga có độ trễ trong thời gian đóng tàu và tính toán chi phí cao.

Về Pháp, Global Security cho rằng, mặc dù là một trong những nước dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực đóng tàu nhưng Pháp cũng đang gặp những khó khăn nhất định để duy trì tính cạnh tranh. Điều đáng nói là hiện nay, số lượng các nhà máy đóng tàu lớn nhất thế giới đang tập trung ở châu Á nhiều hơn hẳn châu Âu, khác với trước kia.

Với Việt Nam, ngành đóng tàu được xác định là một trong những ngành công nghiệp chủ lực nằm trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước, vì vậy Việt Nam tích cực thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

Trong khi ngành đóng tàu Việt Nam được thừa hưởng nhiều lợi ích từ việc chuyển giao vốn, kinh nghiệm quản lý và công nghệ từ các công ty đóng tàu hàng đầu của Hàn Quốc, Nhật Bản, cũng như Hà Lan và Pháp.

Theo giáo sư Thayer, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC) đã thành lập liên doanh và chấp nhận các khoản đầu tư từ nhiều doanh nghiệp đóng tàu hàng đầu thế giới, trong đó có tập đoàn HD Hyundai Korea Shipbuilding & Offshore Engineering (Hàn Quốc) và công ty con của doanh nghiệp này là Hyundai Mipo Dockyard; tập đoàn Damen (Hà Lan).

 Với việc vận hành cẩu Goliath 700 tấn, cho phép HSV đóng những tàu hàng lớn. Nguồn: HSV

Ngoài ra các tập đoàn Vard (Na Uy) và Piriou (Pháp) đều có nhà máy tại các tỉnh Vũng Tàu và Long An của Việt Nam.

Các công ty Việt Nam liên doanh với nước ngoài đã sản xuất được những con tàu đáp ứng được cả yêu cầu chất lượng của nước sở tại, cũng như các tiêu chuẩn quốc tế.

“Chủng loại tàu do Việt Nam sản xuất rất đa dạng, bao gồm tàu buôn, tàu chở dầu và hóa chất, tàu hỗ trợ ngoài khơi, tàu dịch vụ điện gió và tàu đánh cá để xuất khẩu sang châu Á, châu Âu, Trung Đông và châu Phi.”, chuyên gia nhấn mạnh.

Ngoài ra, Việt Nam có những ưu thế tự nhiên, như bờ biển dài hơn 3.200 km tiếp giáp với các tuyến vận tải biển đông đúc và nhộn nhịp thứ hai thế giới.

Cùng với đó, Việt Nam còn có các trường đại học và cao đẳng chuyên đào tạo, cung cấp các chứng chỉ hàng hải, từ đó cho ra đời một lực lượng lao động dồi dào.

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Xuân Hòa cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên vị trí cao hơn, nếu có được sự chuyển giao công nghệ từ những quốc gia trong khu vực và châu Âu – những quốc gia có nền công nghiệp đóng tàu phát triển, bền vững như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Ý và nếu có sự đầu tư mạnh hơn vào trang thiết bị, công nghệ tự động hóa.

Để đạt thứ hạng cao hơn trong tương lai, GS. Carl Thayer khuyến nghị, Việt Nam cần thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành đóng tàu, đồng thời đào sâu và mở rộng các cơ sở công nghiệp trong nước để sản xuất nguyên vật liệu, do hầu hết các thiết bị, máy móc đóng tàu hiện nay ở Việt Nam vẫn đang được nhập khẩu.

Hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 0904 585359 để được tư vấn, báo giá chi tiết về việc cung cấp vật tư, thiết bị phục vụ việc đóng tàu biển tốt nhất trên thị trường hiện nay.

Văn Phong (Sputnik, Insidermonkey, HSV)


Tin tức liên quan

Bình luận